Chịu toàn bộ tải trọng nhà ở nên móng nhà là một trong những yếu tố quan trọng nhất cần được lưu ý khi xây nhà để ngôi nhà bền vững theo thời gian. Trường hợp móng nhà thiết kế và thi công không đảm bảo thì ngôi nhà dễ gặp phải tình trạng sụt lún, nứt tường, nghiêm trọng hơn sẽ bị nghiêng hoặc sụp đổ, điều này dẫn đến nhiều thiệt hại như chi phí và thời gian,…
Vậy chúng ta cần lưu ý những điều gì khi làm móng nhà? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây của Madu Home nhé!
1. Móng nhà là gì?
Móng nhà hay còn gọi là nền móng là kết cấu kỹ xây dựng nằm ở dưới cùng của ngôi nhà hoặc các công trình xây dựng. Có chức năng là chịu tải trọng trực tiếp của các công trình. Đảm bảo chịu được sức ép trọng lực các tầng và gia tăng sự kiên cố và vững chắc của công trình.
Nên việc thiết kế thi công xây dựng móng nhà là điều quan trọng nhất của công trình, nó quyết định tuổi thọ và độ bền vững của công trình.
2. Các loại móng nhà cơ bản trong xây dựng
2.1. Móng đơn
Là loại móng dùng để đỡ một cột hoặc một cụm cột đứng sát nhau có tác dụng chịu lực.
Móng đơn có kết cấu đơn giản, kích thước không lớn, đáy móng có hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn. Thường được dùng cho cột nhà trong các công trình nhà dân dụng.
Móng đơn được sử dụng ở những nền đất có khả năng chịu tải tốt, tải trọng không quá lớn. Trường hợp móng đơn phải chịu tải lớn thì bắt buộc phải tăng chiều dài của móng và chiều sâu chôn móng.
Các loại móng đơn được sử dụng phổ biến hiện nay như: móng đơn đúng tâm, móng lắp ghép, móng đơn lệch tâm lớn (móng chân vịt), móng đơn lệch tâm nhỏ.
– Ưu điểm: Chi phí thi công rẻ, thời gian thi công ngắn.
– Ứng dụng: Thường thi công cho chân cột nhà, cột điện hoặc mổ trụ cầu.
2.2. Móng băng
Móng băng là một dải dài độc lập chạy dọc theo chân tường song song hoặc giao cắt nhau để đỡ tường hoặc cột. Tùy điều kiện và đặc điểm của công trình sẽ có 2 loại sau đây:
Móng băng 1 phương: là loại móng được thiết kế theo phương dọc hoặc phương ngang. Do cả 1 phương phải chịu tải cho toàn bộ công trình nên thường có kích thước lớn hơn so với móng băng 2 phương.
Móng băng 2 phương: là móng được thiết kế theo phương ngang và dọc để chịu tải cho công trình.
Móng băng được sử dụng phổ biến trong các công trình dân dụng vì dễ thi công, giá thành ở mức vừa phải và có khả năng chịu lực, chịu lún khá đồng đều.
Lưu ý: Chỉ nên sử dụng móng băng khi chiều rộng móng tối đa khoảng 1,5m. Nếu lớn hơn thì nên sử dụng loại móng khác.
– Ưu điểm: Giảm áp lực đáy móng
– Ứng dụng: Kiểu móng thường dùng cho các công trình dân dụng với giá thành vừ phải, độ lún đồng đều.
2.3. Móng bè
Móng bè là loại móng nông được trải rộng toàn bộ diện tích xây dựng của công trình để giảm áp lực đè lên nền đất giúp giải tỏa sức nặng và tránh hiện tượng lún không đồng đều.
Được sử dụng chủ yếu ở nơi có nền đất yếu, sức kháng nén yếu dù không có nước hoặc do yêu cầu cấu tạo của công trình.
– Ưu điểm: Tránh hiện tượng sụt lún không đồng đều.
– Ứng dụng: Nhà có tầng hầm, kho,…
2.4. Móng cọc
Móng cọc là loại móng có hình trụ dài được làm bằng bê tông hoặc cừ tràm được cấm sâu dưới đất để truyền tải trọng lượng của công trình xuống lớp sỏi đá nằm sâu dưới lòng đất nhờ đó làm tăng khả năng chịu tải cho tầng móng phía trên.
Móng cọc được sử dụng để thi công cho các công trình có tải trọng lớn hoặc những nơi có bề mặt đất nền yếu, trên sông hoặc những nơi có địa hình phức tạp.
– Ưu điểm: Là loại móng chắc chắn nhất
– Ứng dụng: Các công trình xây dựng trên nền đất yếu.
3. Cách chọn móng xây nhà
Việc chọn móng nhà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó điều kiện nền và tải trọng (chủ yếu là chiều cao) là quan trọng nhất.
Nếu nền tốt:
Có thể dùng móng gạch xây, đá xây, bê tông đá hộc.
Nếu nền có lớp đất yếu rất dày
Thường dùng móng bè với cọc ma sát đóng xuống sâu, có thể dung biện pháp xử lý nền bằng cách làm chặt đất dước sâu (không dùng cách làm chặt đất trên mặt), không dùng đệm cát, đệm đất.
Nếu nền có lớp trên yếu, lớp dưới tốt:
Khi lớp đất yếu mỏng (≤ 1,5m): thay lớp đất yếu bằng đệm cát, đệm đất hoặc làm chặt đất trên mặt rồi coi như nền tốt hoặc làm móng cọc tre, cọc tràm.
Khi lớp đất yếu kho dày lắm (1,5 – 3m): Thay một phần (trên) của lớp đất yếu và làm chặt đất tren mặt phần còn lại hoặc làm móng cọc bê tông cốt thép.
Khi lớp đất yếu dày (≥ 3,0m): coi như toàn bộ là đất yếu.
Khi lớp đất yếu có chiều dày thay đổi:
- Dùng móng băng có chiều dày thay đổi, tức là phần đất yếu dày hơn thì mặt móng sâu hơn.
- Dùng móng băng có chiều dày thay đổi, tức là phần đất yếu dày hơn thì dùng móng rộng hơn.
- Dùng móng băng không cùng cao trình, đặt trong vùng đất tốt.
- Dùng móng băng có cọc ở vùng đất yếu có chiều dày lớn.
Nếu nền có lớp đất tốt, lớp dưới yếu.
- Khi lớp trên mỏng (≤ 1,5m): coi như toàn bộ là nền yếu.
- Khi lớp trên không dày lắm (1,5-3m): chỉ nên xây nhà đến 2 tầng (dùng móng bè). Nếu muốn xây nhà > 2 tầng thì xử lý như nền đất yếu rất dày nhưng không dược đặt móng sâu và không nên dùng móng cọc.
- Khi lớp trên dày (≥ 3,0m): tận dụng lớp nền tốt bên trên, không nên đặt móng sâu, nên dùng móng bè và chỉ nên xây nhà đến 3 tầng, nếu nhà ≥ 4 tầng thì xử lý như “toàn bộ là đất yếu”…
4. Những lưu ý quan trọng bạn cần biết
Bạn cần tiến hành khảo sát địa chất, xem xét đất nền thuộc loại nào, mức độ sụt lún, khả năng chịu lực… để chọn được loại móng nhà phù hợp.
Chọn độ sâu của móng
Các yếu tố như địa hình, yếu tố thủy văn, khả năng thi công móng… sẽ quyết định độ sâu của móng nhà. Chọn được độ sâu hợp lý sẽ giúp gia chủ tiết kiệm được đáng kể chi phí và thời gian thi công xây dựng.
Khi nhà có nền đất yếu
Việc đào móng sẽ càng quan trọng hơn gấp nhiều lần khi làm nhà trên nền đất yếu. Loại nền đất này yêu cầu móng nhà phải gia cố chắc chắn, vững chãi để đảm bảo công trình không bị sụt lún hay nghiêng lệch về sau.
Các nền đất yếu là đất ruộng, đất ven sông, đất cát pha, đất sét, đất cát mịn, đất đỏ bazan, đất ngập nước… Khi tiến hành thi công, những nền đất này nên được gia cố lại, thay đổi kết cấu xây dựng hoặc thay đổi loại móng nhà cho phù hợp.
Chọn loại vật liệu để đổ móng nhà
Với việc làm móng nhà cấp 4, 2 tầng, 3 tầng, 4 tầng sẽ có sự khác nhau giữa các loại vật liệu. Gia chủ và đơn vị thi công nên lựa chọn vật liệu phù hợp với móng nhà và không nên vì tham chọn vật liệu rẻ mà làm ảnh hưởng đến độ bền của cả công trình. Các vật liệu đổ móng cần thiết là cát, xi măng, đá, nước, thép, cốt pha. Gia chủ có thể tự trộn bê tông truyền thống để đổ móng với công trình nhà cấp 4.
Dọn vệ sinh sạch sẽ hố móng
Để đảm bảo bê tông chắc chắn và đạt yêu cầu thì đơn vị thi công cần dọn vệ sinh sạch sẽ khu vực hố móng trước khi thi công móng. Đây là một điều quan trọng nhưng nhiều người thường chủ quan mà bỏ qua bước này.
Để chừa các lỗ kỹ thuật
Các lỗ kỹ thuật khi đổ móng cần phải chừa lại để lắp đặt ống cấp thoát nước. Trong trường hợp ống cấp thoát nước đặt dưới đáy móng nhà thì cần lấp đầy lỗ bằng sỏi hoặc đá dậm thật chặt. Không được để đế móng bê tông trực tiếp lên đường ống vì điều này sẽ làm vỡ ống dẫn nước.
Không nên đào móng trời mưa
Việc đào móng vào ngày mưa sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc đào xúc, vì vậy trong quá trình chọn ngày để đào móng gia chủ nên cố gắng tránh thời tiết này. Nếu gia chủ vẫn muốn đào móng để không bị lỡ mất ngày đẹp thì cần lưu ý khi làm móng nhà:
– Kiểm tra hệ thống thoát nước để đảm bảo nước không bị ứ đọng.
– Mua vài chiếc bạt xanh lớn để dự phòng khi mưa thì dùng để che chắn vật liệu và vị trí đào móng.
– Có thể tiếp tục thi công khi mưa nhỏ, nhưng nếu mưa lớn thì nên dừng việc đào móng lại.
Chú ý khi đào móng nhà liền kề, nhà phố
Vì các công trình nhà ở này gần như sát vách nên việc xây dựng cũng khó khăn hơn nhiều so với xây nhà ở quê. Trong quá trình xây dựng, bên thi công nên chú ý xem xét đến chân móng của nhà hàng xóm để không làm ảnh hưởng tới chúng.